Trạng thái động kinh là trạng thái trong đó bệnh nhân có các cơn co giật kéo dài trên 30 phút. Giữa 2 cơn liên tiếp bệnh nhân trong tình trạng rối loạn ý thức, rối loạn thần kinh thực vật, biến đổi hô hấp, tim mạch, nội môi. Trạng thái động kinh có thể kéo dài vài giờ đến vài ngày.
PHÂN LOẠI TRẠNG THÁI ĐỘNG KINH
Trạng thái động kinh thường được chia thành các thể sau:
– Trạng thái động kinh cơn lớn
– Trạng thái động kinh cơn nhỏ
– Trạng thái động kinh cục bộ
– Trạng thái động kinh tâm thần – vận động.
CÁC YẾU TỐ PHÁT ĐỘNG TRẠNG THÁI ĐỘNG KINH
– Động kinh “ cơn hàng loạt”: Cơn này tiếp cơn khác nhưng giữa các cơn bệnh nhân vẫn tỉnh. Thường có dự đoán trước, sau một thời gian ngắn sẽ hình thành trạng thái động kinh
– Tần suất cơn động kinh tăng dần.
– Ngừng thuốc chống động kinh đột ngột.
– Dùng thuốc gây kích thích vỏ não (ví dụ sử dụng Long não) ở bệnh nhân động kinh.
– Dị vật trong sọ.
– Bệnh nhân không được điều trị (tức là không được dùng thuốc chống động kinh).
– Di chứng chấn thương sọ não: khoảng 5% trường hợp sẽ thành động kinh trạng thái.
– U não: trạng thái động kinh xuất hiện riêng rẽ (từ trước không có cơn động kinh) có thể là biểu hiện mở đầu của u não.
– Nhiễm khuẩn nội sọ (áp xe não, viêm não, viêm màng não): khoảng 1% các trường hợp sẽ hình thành trạng thái động kinh.
– Động kinh triệu chứng của tai biến mạch máu não (tụ máu trong não, nhồi máu não): khoảng 10% các trường hợp sẽ hình thành trạng thái động kinh.
Trạng thái động kinh có thể xảy ra khi ngừng thuốc động kinh đột ngột
CÁC BIẾN CHỨNG CỦA TRẠNG THÁI ĐỘNG KINH
– Thiếu ôxy não và các nội tạng khác.
– Suy hô hấp: thở chậm, ngừng thở, nhịp thở Cheyne – Stokes, thở nhanh, phù phổi, toan hô hấp.
– Biến chứng tim mạch: mạch nhanh hoặc chậm, tăng huyết áp, suy tim, shock tim
– Rối loạn chuyển hoá: toan chuyển hoá, tăng kali-máu, giảm đường-natri máu.
– Suy thận: đái ít, hoại tử cầu thận cấp tính do tiêu cơ vân cấp.
– Rối loạn thần kinh thực vật: nôn, tăng tiết mồ hôi, tăng tiết nước bọt.
Tất cả các yếu tố này gây phù não làm cơn mới dễ xuất hiện, có thể dẫn đến tử vong do trụy tim mạch và suy hô hấp.
XỬ TRÍ CO GIẬT TRẠNG THÁI ĐỘNG KINH
Mục tiêu:
– Đảm bảo chức năng sống cơ bản (hồi sức chung): hô hấp, huyết động, toan chuyển hoá, thân nhiệt, sơ cứu các chấn thương.
– Cắt ngay các cơn co giật (cắt hoạt động xung điện).
– Việc cắt được cơn co giật quan trọng hơn là tốn thời gian đi tìm thuốc gì để chống co giật cho bệnh nhân.
Xử trí:
– Tư thế bệnh nhân nằm đầu cao 30o (nếu có tăng áp lực sọ não), hoặc nằm hơi nghiêng sang phải.
– Hút đờm rãi.
– Cho bệnh nhân thở oxy nếu co giật kéo dài và tím môi.
– Theo dõi nhiệt độ và xử trí nếu có sốt: Dafalgan 15mg/kg uống nhưng không quá 60mg/kg/24 giờ.
– Bơm hậu môn hoặc uống Diazepam 0,5mg/kg, hoặc tiêm tĩnh mạch 0,2 mg/kg.
– Theo dõi nhịp thở, phát hiện sớm sự ức chế hô hấp.
– Nếu còn tiếp tục giật:
+ Truyền Ringer lactat 50ml/kg
+ Xét nghiệm đường máu, calci máu, điện giải đồ.
+ Diazepam 0,2mg/kg tĩnh mạch chậm.
+ Theo dõi sát nhịp thở, thở oxi qua mặt nạ.
– Cơn giật còn tiếp tục:
+ Phenobarbital 20 – 30mg/kg tĩnh mạch trong 30 phút hoặc tiêm bắp.
+ Phenytoin 15-20mg/kg tĩnh mạch trong 30 phút.
– Nếu cơn giật còn tiếp tục: hội chẩn bác sỹ hồi sức cấp cứu để điều trị gây mê bằng Thiopentane hoặc thở máy.
Mục tiêu xử trí trạng thái động kinh: “cắt ngay cơn co giật
Tóm lại
Trạng thái động kinh là hiện tượng rối loạn nghiêm trọng, bệnh nhân cần được điều trị tích cực. Nhiều bệnh nhân để lại di chứng thần kinh như thiểu năng tinh thần (48%), liệt nửa người, liệt hai chi dưới, rối loạn vận động tiểu não. Vì vậy bệnh nhân cần được đặc biệt chú ý ngay từ phút đầu.
Nếu còn bất cứ điều gì thắc mắc, hãy gọi điện hoặc Zalo qua số 0962.620.043 để được tư vấn giải pháp tốt nhất giúp hỗ trợ điều trị trạng thái động kinh hiệu quả, tối ưu.
DS. Hoàng Nga
Nguồn tham khảo: Nhà xuất bản Y học TS. Ninh Thị Ứng
—————————————–