Việc học tập thường là một thử thách với trẻ tăng động giảm chú ý. Do đó, một cách dạy trẻ tăng động thật khoa học cùng với tình yêu thương, sự kiên nhẫn là chìa khóa để giúp trẻ thành công hơn. Cha mẹ và thầy cô hãy thực hiện theo những hướng dẫn trong bài viết dưới đây để luôn là người bạn đồng hành giúp trẻ cải thiện chứng bệnh này.
Tăng động giảm chú ý ảnh hưởng đến việc học của trẻ ra sao?
Bạn có biết rằng, có đến 11% tương đương khoảng 6 triệu trẻ em trên thế giới được chẩn đoán bị rối loạn tăng động giảm chú ý mỗi năm? Đây là giai đoạn để trẻ phát triển toàn diện về thể chất trí tuệ, nhưng biểu hiện mất tập trung, hấp tấp và bốc đồng do bệnh tăng động lại trở thành “rào cản” gây nhiều khó khăn cho trẻ. Chẳng hạn như:
– Khó tiếp thu được bài giảng mới.
– Hay quên và gặp khó khăn với những vấn đề đòi hỏi sự logic, xâu chuỗi các kiến thức với nhau.
– Thiếu kiên trì khi làm bài tập dù ở trên lớp hay ở nhà.
– Thường xuyên bỏ cuộc, cáu gắt khi gặp bài toán khó.
– Kết quả học tập sa sút hoặc học lệch, chỉ đạt điểm cao với môn thực sự yêu thích.
– Thường xuyên vi phạm nội quy lớp học.
– Khó khăn khi kết bạn mới, khó hòa đồng trong các hoạt động tập thể…
10 “bí quyết” giúp trẻ tăng động giảm chú ý học tập tốt hơn
Thực tế là trẻ tăng động không thể tự mình “xoay xở” trong việc học và sinh hoạt hàng ngày, chúng luôn cần sự hỗ trợ thêm từ gia đình và nhà trường, bởi vậy cha mẹ nên tham khảo những hướng dẫn sau:
Phối hợp chặt chẽ giữa cha mẹ và thầy cô
Đây cũng là yếu tố rất quan trọng trong cách dạy trẻ tăng động. Cha mẹ cần cởi mở trao đổi với thầy cô về những khó khăn con mình đang gặp phải để cùng tìm ra giải pháp hỗ trợ tốt nhất. Đồng thời, cần lắng nghe thông tin phản hồi từ thầy cô về các biểu hiện của con ở lớp để đánh giá những tiến triển trong quá trình điều trị.
Cha mẹ chuẩn bị tốt cho buổi học của con
– Đảm bảo giấc ngủ của trẻ: trẻ cần ngủ tối thiểu 8 – 9 tiếng/ngày và thức dậy đúng giờ để đảm bảo sức khỏe, duy trì một tinh thần thoải mái. Ngủ không đủ giấc khiến trẻ mệt mỏi, thiếu tập trung và ảnh hưởng đến việc ghi nhớ.
– Chuẩn bị bữa sáng cho trẻ: một bữa sáng giàu protein, chất xơ, đủ khoáng chất, nhưng hạn chế lượng đường tinh chế và chất béo bão hòa để cung cấp đủ năng lượng cho trẻ. Cha mẹ hạn chế cho trẻ ăn những đồ ăn nhanh như bim bim, xúc xích…
– Giúp con kiểm tra đồ dùng cá nhân trước khi tới lớp.
Trẻ tăng động cần ăn sáng đầy đủ và chuẩn bị đồ dùng trước khi đến lớp
Nếu con bạn đang bị tăng động giảm chú ý, bạn phân vân không biết đâu là giải pháp và cách dạy trẻ tăng động hiệu quả nhất để giúp con sớm cải thiện? Bạn đừng chần chừ hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0962620043 để được hỗ trợ trực tiếp.
Cha mẹ luôn ủng hộ các hoạt động của con ở trường
Với các hoạt động ngoại khóa theo lớp, cha mẹ nên sắp xếp thời gian tham gia cùng con để tăng sự gắn kết và giúp con học hỏi thêm nhiều kỹ năng.
Cách dạy trẻ tăng động tránh xa phiền nhiễu khi học
Trẻ tăng động rất dễ bị phân tâm, có thể trẻ trông như đang ngồi học nghiêm túc nhưng lại không tập trung chú ý và hay mơ mộng. Dưới đây là những cách để khắc phục tình trạng này ở trẻ:
– Nhờ thầy cô xếp cho trẻ ngồi ngay bàn đầu, cách xa cửa ra vào.
– Cho trẻ học tập trong một môi trường yên tĩnh, tránh xa các yếu tố như: tivi, điện thoại, tiếng thú cưng…
– Ghi chú những thông tin quan trọng khi trẻ tự học bằng các loại giấy nhớ để ngay tại bàn học của trẻ.
Rất nhiều cha mẹ đã thành công khi dạy trẻ tăng động cải thiện hành vi và học tốt hơn khi ở trường, cùng lắng nghe chia sẻ qua đoạn băng sau:
Kinh nghiệm của chị Hà khi dạy con bị tăng động giảm chú ý
Các giải pháp hỗ trợ cho trẻ tăng động ở trường
– Thầy cô thiết lập quy tắc lớp học một cách rõ ràng nhất để trẻ nắm bắt rõ và thực hiện đúng.
– Thường xuyên nhắc nhở trẻ ghi chép bài đầy đủ và kiểm tra các đồ dùng trước khi ra về.
– Ghép nhóm trẻ tăng động với các trẻ khác để trẻ học hỏi thêm các kỹ năng.
– Không áp dụng những hình phạt quá nghiêm khắc với những lỗi sai của trẻ tăng động mà cần nhẹ nhàng phân tích.
– Dành cho trẻ lời khen trước lớp như khi trẻ làm đúng một bài toán khó, không vi phạm nội quy trong tuần học đó… Cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý này giúp mang lại kết quả rất tốt.
– Tổ chức các hoạt động tập thể trong lớp học để trẻ tăng động hòa đồng hơn với các bạn.
Lập kế hoạch và chia nhỏ các nhiệm vụ học tập
Một kế hoạch học tập chi tiết, dễ hiểu và nhất quán bắt đầu từ những điều đơn giản như hôm nay học môn gì? có bao nhiêu bài tập? những việc nào cần hoàn thành?… sẽ giúp trẻ tăng động học tập tốt hơn. Bạn nên chia nhỏ những nhiệm vụ này thành từng phân đoạn và khuyến khích trẻ thực hiện tuần tự
Lập kế hoạch học tập chi tiết – Cách dạy trẻ tăng động hiệu quả
Tạo hứng thú học tập cho trẻ
“Học mà chơi” là một cách dạy trẻ tăng động rất hiệu quả giúp việc học trở lên thú vị hơn để phát huy những thế mạnh của bản thân.
– Học toán: với những trẻ nhỏ hơn, thay vì chỉ ngồi dạy con tập đếm bằng miệng, cha mẹ nên chơi cùng con các trò chơi liên quan đến con số như xúc xắc, domino hay sử dụng ngón tay, ngón chân của mình…
– Vẽ tranh: minh họa các kiến thức bằng hình vẽ ngộ nghĩnh giúp trẻ tăng động tiếp thu tốt hơn.
– Sử dụng từ viết tắt ngộ nghĩnh: cha mẹ có thể giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn bằng cách tạo các kí hiệu riêng, bài hát ngắn hay sử dụng chữ cái đầu tiên của hành động ấy. Cách dạy trẻ tăng động này khá đơn giản nhưng rất hiệu quả.
– Đặt câu hỏi cho trẻ: hãy tạo cơ hội để trẻ tương tác bằng cách đặt câu hỏi như khi kể một câu chuyện, bạn hãy hỏi trẻ nhiều hơn. Ví dụ khi kể chuyện 3 chú heo con, mẹ sẽ hỏi: “con có biết tiếp theo chú heo út sẽ làm gì không? Con có thấy chú heo này rất thông minh không?…”
“Mẹo” giúp trẻ tăng động hoàn thành bài tập về nhà
– Giúp con sắp xếp và phân loại sách vở theo từng môn học bằng cách ghi chú những mẩu giấy có màu sắc dễ thương để trẻ thấy hào hứng hơn khi học.
– Giúp trẻ nhận thức đúng về thời gian khi học, tránh phân tâm vào các việc riêng khác. Cha mẹ có thể ngồi học cùng con hoặc sử dụng đồng hồ hẹn giờ để nhắc nhở. Cách dạy trẻ tăng động này rất cần sự kiên nhẫn của cha mẹ.
– Lên danh sách các bài tập về nhà, định lượng thời gian tự học và hướng dẫn trẻ tự theo dõi tiến trình bằng việc tự đánh dấu “ tích xanh” vào bản danh sách này.
– Nhắc trẻ nghỉ ngơi và đứng dậy thư giãn sau mỗi 20 – 30 phút tự học ở nhà.
Giúp trẻ giải quyết bài tập về nhà – Cách dạy trẻ tăng động tại nhà
Giúp trẻ giảm bớt sự hiếu động – Cách dạy trẻ tăng động không nên bỏ lỡ
Trẻ tăng động trông có vẻ rất “bận rộn”, hoạt động luôn chân tay và việc phải ngồi yên một chỗ như là một hình phạt với trẻ. Các giải pháp dưới đây sẽ giúp ích nhiều cho trẻ tăng động:
– Với những tiết học dài, thầy cô nên tạo thời gian nghỉ giải lao hoặc đưa ra câu hỏi thảo luận để thay đổi không khí lớp học. Việc làm này giúp ích cho tất cả trẻ không chỉ riêng trẻ tăng động.
– Cho phép trẻ tăng động có cơ hội di chuyển trong lớp học như lên bảng chữa bài, đi uống nước… hoặc sử dụng một vật dụng cầm tay như quả bóng cao su để trẻ bớt khó chịu mà vẫn đảm bảo việc học.
– Hướng dẫn trẻ làm một số việc nhà vừa sức để hạn chế các biểu hiện hiếu động như quét nhà, đổ rác, sắp xếp bàn ăn…
– Hạn chế thời gian trẻ xem vô tuyến sau giờ học.
– Khuyến khích trẻ tham gia các môn thể thao đồng đội như: bóng đá, bóng rổ, bóng chày, bơi lội, hoạt động cổ vũ…
Phê bình đúng cách, khen thưởng đúng lúc
Phân tích để trẻ nhận thức ra lỗi sai, chỉ cho trẻ cách làm đúng để không phạm lỗi tương tự. Bạn nên khen ngợi khi trẻ làm tốt và hãy cụ thể hóa lời khen này để trẻ biết mình đã làm đúng điều gì như: “Con giỏi lắm, con đã làm xong hết bài tập và đi ngủ rất đúng giờ” hay “Tuần này con không phạm lỗi nào ở trường, cuối tuần chúng ta đi công viên nhé”…
Áp dụng đúng cách dạy trẻ tăng động chính là cầu nối để cha mẹ và thầy cô trở thành người đồng hành tuyệt vời giúp trẻ tăng động tiến bộ hơn từng ngày và thành công hơn trong tương lai.