Ai cũng có tâm trạng lo âu ít nhất một lần trong đời, vì những nguyên nhân khác nhau như tiền bạc, tình cảm, sức khỏe hay các mối quan hệ xã hội. Sự lo âu thường tự biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, một số người luôn thường trực cảm giác lo lắng và để nó chi phối cuộc sống thường ngày. Rất có thể, họ là “nạn nhân” của chứng rối loạn lo âu.
Rối loạn lo âu là gì?
Rối loạn lo âu (anxiety disorders) là tình trạng lo âu kéo dài và có thể tồi tệ hơn theo thời gian. Cảm xúc tiêu cực này có thể ảnh hưởng xấu tới công việc, học tập và các mối quan hệ.
Rối loạn lo âu được chia làm nhiều loại khác nhau, trong đó 3 loại chính: Rối loạn lo âu toàn thể (generalized anxiety disorder), rối loạn hoảng sợ (panic disorder) và rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorder)…
Người bị rối loạn lo âu rất hay cảm thấy bồn chồn, lo lắng
Các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu toàn thể
Người bệnh có biểu hiện lo lắng quá mức hoặc kéo dài trong nhiều tháng và kèm theo các triệu chứng khác, bao gồm:
– Bồn chồn hoặc có cảm giác lo lắng, căng thẳng
– Mệt mỏi thường xuyên
– Khó tập trung, lúc nào cũng suy nghĩ
– Cáu gắt
– Căng cơ
– Khó kiểm soát sự lo lắng
– Gặp vấn đề về giấc ngủ (khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc bồn chồn, ngủ dậy vẫn mệt mỏi).
Rối loạn hoảng sợ
Những người bị rối loạn hoảng sợ thường bị tái phát cơn hoảng loạn một cách bất ngờ. Cơn hoảng loạn là trạng thái sợ hãi tột cùng, xảy ra đến một cách đột ngột và có các triệu chứng như đánh trống ngực, vã mồ hôi, run rẩy, khó thở, cảm giác bất an. Các triệu chứng rối loạn hoảng sợ bao gồm:
– Các cơn hoảng loạn bất ngờ và lặp đi lặp lại
– Cảm giác mất kiểm soát khi cơn hoảng loạn xảy ra
– Lo lắng dữ dội về sự xuất hiện của cơn hoảng loạn trong tương lai
– Sợ hãi hoặc tránh những nơi mà cơn hoảng loạn xảy ra trong quá khứ.
Rối loạn lo âu xã hội
Sợ bị người khác đánh giá, phán xét là biểu hiện rối loạn lo âu xã hội
Những người bị rối loạn lo âu xã hội (còn gọi là “ám ảnh xã hội”) thường có nỗi sợ hãi rõ rệt đối với các mối quan hệ bên ngoài, những tình huống khiến họ cảm thấy xấu hổ, bị phán xét, bị từ chối hoặc sợ làm mất lòng người khác.
Các triệu chứng rối loạn lo âu xã hội bao gồm:
– Cảm thấy lo lắng về việc gặp gỡ những người khác và khó khăn để trò chuyện cùng với họ.
– Cảm thấy ngượng ngùng trước người khác và lo lắng về cảm giác bị sỉ nhục, xấu hổ, hoặc bị từ chối, sợ làm mất lòng người khác.
– Rất sợ bị người khác đánh giá
– Lo lắng trong vài ngày hoặc vài tuần trước một sự kiện mà có những người khác ở đó.
– Gặp khó khăn trong việc kết bạn và giữ mối quan hệ bạn bè
– Đỏ mặt, vã mồ hôi hoặc run khi gần những người khác
– Cảm giác buồn nôn hoặc đau bụng khi có nhiều người bên cạnh.
Một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như cường giáp, hạ đường huyết hoặc tác dụng phụ của một vài loại thuốc có thể làm trầm trọng thêm chứng rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu có thể cùng tồn tại với một hoặc nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như trầm cảm hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Nếu bạn và người thân không may gặp phải chứng rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc. Hãy gọi cho chúng tôi hoặc Zalo qua số điện thoại 0962.620.043 để được tư vấn tốt nhất.
Các yếu tố nguy cơ gây rối loạn lo âu
Di truyền và môi trường là những yếu tố nguy cơ gây rối lạn lo âu rõ ràng nhất. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
– Có thời thơ ấu nhút nhát hoặc bị ức chế trong hành vi ứng xử
– Là nữ giới
– Điều kiện kinh tế khó khăn
– Ly hôn hoặc góa chồng
– Tiếp xúc với các sự kiện căng thẳng trong thời thơ ấu và tuổi trường thành
– Có người thân bị rối loạn lo âu
– Cha mẹ có tiền sử bị rối loạn tâm thần
Phương pháp điều trị rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu thường được điều tị bằng liệu pháp tâm lý, thuốc hoặc kết hợp cả hai.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu, hay “liệu pháp nói chuyện” tập trung vào những mối lo âu cụ thể của người bệnh. Liệu pháp nhận thức hành vi là phương pháp tâm lý trị liệu phổ biến, giúp người bị rối loạn lo âu có cách suy nghĩ, hành xử và phản ứng để đối phó lại các tình huống đáng sợ, lo lắng. Liệu pháp nhận thức hành vi có thể được áp dụng cho 1 cá nhân hoặc 1 nhóm những người có cùng vấn đề. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả đối với chứng rối loạn lo âu xã hội.
Nhóm tự lực/hỗ trợ
Gia nhập các nhóm tự hỗ trợ, người bệnh có thể chia sẻ các vấn đề mà họ gặp phải, cũng như những thành công trong điều trị đối với các thành viên khác.
Tham gia chia sẻ với các hội nhóm giúp cải thiện rối loạn lo âu
Kỹ thuật quản lý căng thẳng
Các kỹ thuật quản lý căng thẳng và thiền giúp người bị rối loạn lo âu bình tĩnh và có thể làm tăng hiệu quả điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh nên tránh caffein, thuốc gây nghiện và cả thuốc cảm lạnh không kê toa bởi chúng có thể làm nặng thêm các triệu chứng rối loạn lo âu. Nên hỏi ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hay chất bổ sung nào.
Gia đình đóng vai trò quan trọng đối với khả năng hồi phục của người bị rối loạn lo âu. Các thành viên trong gia đình nên chia sẻ, hỗ trợ để đẩy lùi triệu chứng rối loạn lo âu cho người thân.
Thuốc điều trị rối loạn lo âu
Thuốc không chữa rối loạn lo âu nhưng có thể làm giảm triệu chứng. Thuốc đôi khi được sử dụng như điều trị ban đầu cho người bệnh rối loạn lo âu, nhưng trong một số trường hợp chỉ được sử dụng khi người bệnh không có đáp ứng với trị liệu tâm lý. Theo các nghiên cứu, kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và thuốc sẽ đem lại hiệu quả cao hơn so với chỉ sử dụng một phương pháp.
Các thuốc điều trị rối loạn lo âu phổ biến nhất bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu và thuốc chẹn beta (beta blocker). Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sỹ về điều trị:
– Tác dụng và cơ chế của thuốc giúp cải thiện các triệu chứng.
– Lợi ích và tác dụng phụ của mỗi loại thuốc
– Nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng (dựa trên bệnh sử của người bệnh).
– Chi phí của mỗi loại thuốc
– Các thói quen cần thay đổi khi dùng thuốc
– Các phương pháp điều trị thay thế, thuốc men, vitamin và các chất bổ sung đang dùng có ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc hay không.
– Ngừng thuốc như thế nào? (Một số loại thuốc không thể ngừng đột ngột mà phải giảm dần liều dưới sự giám sát của bác sỹ).
Rối loạn lo âu là một bệnh thần kinh phức tạp nhưng có thể điều trị được nếu người bệnh kiên trì và tuân thủ đúng chỉ định của bác sỹ. Nếu không được điều trị, rối loạn lo âu kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, công việc và cản trở các mối quan hệ xã hội của người bệnh.
DS Xuân Bắc
Nguồn tham khảo: https://www.nimh.nih.gov/health/topics/anxiety-disorders/index.shtml
—————————————–