Hầu hết mọi người đều biết rằng các cơn co cứng, co giật là triệu chứng điển hình của bệnh động kinh. Tuy nhiên, trên thực tế triệu chứng của bệnh động kinh rất phong phú và đa dạng tùy thuộc và dạng động kinh và vùng não bộ bị ảnh hưởng.
Triệu chứng của cơn động kinh cục bộ
Động kinh cục bộ là cơn động kinh chỉ ảnh hưởng tới một vùng của não bộ. Cơn động kinh được phân làm hai dạng: cơn động kinh cục bộ đơn giản, người bệnh vẫn tỉnh táo trong cơn và nhớ được các triệu chứng mà mình đã gặp phải; Cơn động kinh cục bộ phức tạp, người bệnh bị mất ý thức hoặc không hoàn toàn tỉnh táo trong cơn và người bệnh sẽ quên hết những gì đã diễn ra sau khi cơn động kinh xảy ra.
Dấu hiệu cơn động kinh cục bộ đơn giản
Các triệu chứng người bệnh có thể gặp phải trong một cơn động kinh cục bộ đơn giản, bao gồm:
– Cảm giác ngứa ran, châm kim, tê buồn ở tay và chân, hay một vùng khác trên cơ thể
– Ngửi thấy mùi lạ hoặc trong miệng đột nhiên có vị lạ hoặc nghe thấy âm thanh lạ, nhìn thấy nhiều hình ảnh lạ
– Một phần của cơ thể bị co cứng hoặc co giật
– Đột ngột cảm thấy sợ hãi, hoảng loạn hoặc hưng phấn quá mức
– Cảm thấy rất thân thuộc với một khung cảnh xa lạ, giống như mình đã từng đến nơi đó rồi.
Một cơn co giật toàn thân có thể xảy ra sau khi người bệnh gặp phải các triệu chứng trên. Do vậy, sau khi các triệu chứng xuất hiện người bệnh nên thông báo với mọi người xung quanh để nhờ sự giúp đỡ di chuyển đến nơi an toàn, hạn chế tối đa chấn thương do va đập xảy ra.
Dấu hiệu cơn động kinh cục bộ phức tạp
Trong cơn động kinh cục bộ phức tạp, người bệnh thường có các hành vi bất thường (thường mang tính lặp đi lặp lại) và không kiểm soát như:
– Giật cơ ở khu vực xung quanh miệng
– Xoa tay, gõ bàn…
– Nhai, nuốt khi trong miệng không có đồ ăn
– La hét, cáu giận, hoặc nói ra những câu vô nghĩa
– Đi, chạy vòng tròn
Sau cơn động kinh cục bộ phức tạp người bệnh sẽ không nhớ được những hành động mình vừa thực hiện.
Một người bệnh trong cơn động kinh cục bộ phức tạp
Triệu chứng cơn động kinh toàn thể
Cơn động kinh toàn thể ảnh hưởng đến tất cả các vùng của não bộ. Cơn động kinh toàn thể có 6 loại chính.
Động kinh cơn vắng ý thức
Cơn động kinh thường gặp ở trẻ em, đôi khi cũng xuất hiện ở người trưởng thành. Động kinh cơn vắng khiến người bệnh mất nhận thức về mọi thứ xung quanh mình trong khoảng 15 giây. Người bệnh nhìn chằm chằm vào khoảng không vô định, có thể có nháy mắt hoặc chép miệng không chủ đích. Động kinh cơn vắng thường xuất hiện nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ.
Động kinh rung giật cơ
Dạng động kinh này khiến cánh tay, chân hoặc một phần của cơ thể bị co giật mạnh như bị điện giật. Cơn động kinh rung giật cơ có thể chỉ kéo dài trong vài % giây, người bệnh không bị mất ý thức. Nó thường xuất hiện trong khoảng vài giờ đầu tiên sau khi người bệnh thức dậy, có thể kết hợp với các cơn co giật toàn thân khác.
Động kinh co giật toàn thể
Người bệnh thường bị mất ý thức, các cơ toàn thần bị giật nhanh và mạnh liên tục. Cơn co giật toàn thể thường kéo dài trong khoảng 2 phút.
Động kinh co cứng toàn thể
Các cơ bắp của người bệnh đột ngột co cứng lại, khiến người bệnh mất thăng bằng và ngã xuống nếu họ đang đi lại. Nguy cơ chấn thương do va đập có thể xảy ra.
Động kinh cơn lớn hay động kinh co cứng – co giật toàn thể
Động kinh cơn lớn có hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là co cứng, giai đoạn sau đó là co giật tay chân. Cơn động kinh này có thể kéo dài trong vài phút hoặc lâu hơn. Đây là dạng động kinh dễ dàng nhận biết nhất.
Động kinh suy nhược
Động kinh suy nhược khiến các cơ bắp của người bệnh đột ngột thả lỏng không chủ đích, khiến người bệnh ngã xuống đất.
Khi gặp các triệu chứng như trên thì bạn cần tới chuyên khoa thần kinh của các bệnh viện uy tín để được thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
Nếu bạn và người thân không may mắc phải chứng co giật, động kinh, hãy gọi cho chúng tôi hoặc Zalo qua số điện thoại 0962.620.043để được tư vấn giải pháp phòng và điều trị an toàn, hiệu quả nhất hiện nay.
Cần làm gì khi gặp người bệnh lên cơn động kinh?
Người bệnh động kinh không gây nguy hiểm cho bất kỳ ai, ngược lại họ là những người cần được giúp đỡ. Nếu bạn gặp một người bệnh sắp lên cơn hoặc đang lên cơn động kinh co giật toàn thân, hãy giúp đỡ họ bằng cách:
– Bỏ tất cả những vật dụng có thể gây nguy hiểm cho người bệnh ở gần đó, nâng đầu người bệnh lên bằng tay hoặc bằng vật mềm như gối, chăn, áo khoác… và hơi nghiêng đầu bệnh nhân sang một bên
– Không đặt bất cứ thứ gì vào miệng người bệnh, đặc biệt là không nhét vải để tránh ngạt thở.
– Ở lại với người bệnh cho đến khi họ tỉnh lại.
Tư thế sơ cứu khi người bệnh lên cơn co giật
Với các dạng bệnh động kinh khác như động kinh cục bộ, động kinh cơn vắng…, bạn nên giúp đỡ người bệnh bằng cách:
– Bảo vệ người bệnh tránh khỏi các chấn thương bằng cách di chuyển các đồ vật cứng, sắc nhọn ra xa
– Không nên di chuyển người bệnh trừ trường hợp khẩn cấp.
– Trấn tĩnh người bệnh, chờ cho đến khi họ hoàn toàn bình phục.
Bạn cần gọi xe cứu thương hoặc phương tiện để vận chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay nếu như cơn động kinh kéo dài hơn 5 phút, hay bị nhiều cơn động kinh liên tiếp. Trong lúc chờ xe cứu thương, nếu bạn ở gần hiệu thuốc, hãy nhờ mua thuốc diazepam đặt đường hậu môn hoặc mua thuốc uống midazolam dạng lỏng để nhỏ vào miệng người bệnh.
Ds. Ngọc Anh
Tham khảo: http://www.nhs.uk/Conditions/Epilepsy/Pages/Symptoms.aspx